Theo giới quan sát, tình hình chính trị Việt nam trong năm 2025 sẽ diễn ra hết sức phức tạp và nhiều gay cấn. Với lý do, đây là thời gian cuối cùng trước khi bước vào Đại hội 14.
Cho dù Tổng Bí thư Tô Lâm đã phải nhường lại chiếc ghế Chủ tịch nước cho Đại tướng Lương Cường, để đảm bảo nguyên tắc phân chia quyền lực trong Đảng. Nhưng trên thực tế, ông Tô Lâm vẫn là người nắm giữ quyền lực lớn nhất, và đang làm chủ cuộc chơi vương quyền.
Đại tướng Công an Tô Lâm chỉ là một chính khách võ biền, thừa mưu ma chước quỷ của một trùm mật vụ, nhưng thiếu sự lọc lõi và tỉnh táo của một chính khách có tầm cỡ.
Đây chính là lý do, cho đến nay, sau gần 6 tháng nắm chức Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được quyền lực.
Đây cũng chính là lý do, ông Lương Cường nhậm chức Chủ tịch nước, trong lúc Tổng Bí thư Tô Lâm đang “vi vu” trời tây. Trung tuần tháng 10/2024, Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã mời Đại tướng Lương Cường sang thăm Trung Quốc để gặp gỡ ông Tập Cận Bình, trong một chuyến đi đầy bí ẩn.
Theo giới phân tích, chức danh Chủ tịch nước theo Hiến pháp, là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho Việt Nam trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, đồng thời, cũng là người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng An ninh, có quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân.
Chủ Tịch nước còn có quyền công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh và đề nghị xem xét lại các pháp lệnh nếu cần thiết, cũng như, đề xuất để Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quan trọng như Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, và các thành viên khác của Chính phủ. Kể cả việc, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Những điều vừa kể đã cho thấy vai trò và quyền lực của Chủ tịch nước được hiến định là rất lớn. Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, chức Chủ tịch nước dù là một trong 4 chân của “Tứ trụ”, nhưng được đánh giá là một chức “hữu danh, vô thực”.
Những phân tích vừa kể cho thấy rằng, bàn tay của Ban lãnh đạo Bắc Kinh trong việc dàn dựng, “bài binh bố trận” để đưa ông Lương Cường lên giữ chức Chủ tịch nước, là một tính toán hết sức cao tay, đặc biệt trong bối cảnh nội bộ ban lãnh đạo cấp cao của Đảng phân hóa, và chia rẽ sâu sắc.
Hơn thế nữa, trong khi Nghị định 168 của Bộ Công an đề xuất đang phá vỡ sự vận hành bình thường của xã hội, gieo rắc sự sợ hãi, bất an và oán hận trong dân chúng. Mối quan hệ giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường được đánh giá là không suôn sẻ, với những mâu thuẫn và căng thẳng mang tính đối đầu, đặc biệt là sự trái ngược trong đường lối của Đảng, cũng như chính sách đối ngoại.
Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là có xu hướng cởi mở hơn với phương Tây, và Hoa Kỳ, trong khi Chủ tịch nước Lương Cường được đánh giá là nhân vật “bảo thủ” kiên định với Chủ nghĩa xã hội và thân Trung Quốc.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, ông Tô Lâm không đặt niềm tin vào Lương Cường trong các vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, do lo ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua Lương Cường.
Việc Lương Cường – một nhân vật xuất thân từ quân đội, được bầu làm Chủ tịch nước thay thế Tô Lâm, được xem là một nỗ lực cân bằng quyền lực giữa phe công an do Tô Lâm đứng đầu, và phe tướng lĩnh quân đội.
Theo giới thạo tin, Trung Quốc có thể đang sử dụng Lương Cường, như một công cụ không chỉ để duy trì ảnh hưởng tại Việt Nam, mà ở một mức cao hơn. Bắc Kinh sẽ ủng hộ cho Chủ tịch nước Lương Cường, và các thế lực thân Trung Quốc, làm chủ chính trường Việt Nam sau Đại hội Đảng 14.
Trà My – Thoibao.de