Ngày 7/1, RFA Tiếng Việt có bài: “Bán tin vi phạm giao thông cho công an: Một hình thức đấu tố?”.
Theo đó, RFA cho biết, từ đầu năm 2025, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông cho công an, sẽ được nhận tiền lên đến năm triệu đồng một vụ, theo Nghị định 176. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an có cơ chế chi tiền để “mua tin” về trật tự an toàn giao thông, một cách chính thức trong một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trên cả nước.
Từ trước đến nay, công an một số nơi cũng đã kêu gọi người dân cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua đường dây nóng, nhưng việc kêu gọi chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện.
Với quy định mới, việc tố giác vi phạm giao thông vì thế không còn được coi là đóng góp vì lợi ích chung của xã hội nữa, mà nó là một “nghề để kiếm tiền”.
RFA dẫn lời nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, nêu ý kiến: “Hiện nay tình trạng thất nghiệp ở trong nước rất nhiều. Số tiền thưởng lớn như thế do công an trích lại sẽ tạo ra điều không hay là khuyến khích dân tố cáo lẫn nhau, soi mói lẫn nhau. Người dân sẽ chạy theo mục đích không phải để giúp cho văn hóa giao thông tốt lên, mà nó lại trở thành một nghề để kiếm tiền”.
RFA cũng dẫn lời một cựu sĩ quan công an không muốn nêu tên, cho biết, việc ngành công an trả tiền để mua tin vi phạm giao thông có 2 mục đích: Thứ nhất là mị dân, cho dân thấy chính phủ dân chủ, dân tố cáo tội phạm thì được thưởng, nhưng thực chất là dân tố nhau. Thứ 2 là ăn tiền dân khi vi phạm.
RFA cho hay, chỉ một ngày sau khi Nghị định 176 có hiệu lực, mạng xã hội lan truyền tin “Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm giao thông”. Ngay lập tức, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội lên tiếng bác bỏ, gọi đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng xấu đến tinh thần của phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”.
RFA dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Miếng, cho rằng, xét về mặt luật pháp, có thể đây là cách Bộ Công an hợp thức hóa việc được giữ lại đến 85% tiền phạt, đang gây bất bình trong công luận.
“Tôi thấy rõ ràng họ đang lập ra một quy định để sử dụng số tiền đó. Nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là giữ gìn trật tự an toàn giao thông, mà lại khuyến khích dân tố giác lẫn nhau gây sự nghi kỵ lẫn nhau; chuyên đi canh me để tố cáo nhau. Tại sao Bộ Công an không sử dụng số tiền đó để hoàn thiện cơ chế về giao thông cũng như hạ tầng cơ sở?”
“Thưởng như vậy tôi thấy họ đã vô tình, hoặc cố ý hợp thức hóa việc chi 85% số tiền được giữ lại, hoặc để kiếm thêm bằng cách thương lượng với người bị tố giác”.
Theo RFA, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là người nêu giải pháp mua thông tin từ camera gắn trên các xe, làm cơ sở xử phạt vi phạm giao thông để tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe. Theo ông Quang, “bây giờ không chỉ là công an, camera gắn trên đường, mà còn có cả camera trong các phương tiện đi xung quanh thì khả năng vi phạm bị lọt lưới rất thấp…”
Vẫn theo RFA, chấp pháp là việc của người có quyền hành, có kỹ năng, nghiệp vụ. Người dân không có trách nhiệm ghi hình những vi phạm rồi “bán” lại cho công an, hoặc được khuyến khích làm việc của công an như thế.
Dù là Luật hay chỉ là Nghị định được ban hành, thì nó phải giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, con người trong xã hội sống nhân ái với nhau hơn, chứ không phải để làm cho những người trong cộng đồng trở thành những con người rình rập nhau, tố cáo nhau chỉ vì đồng tiền, không vì mục đích cao đẹp cho xã hội mà quốc gia nào cũng hướng tới.
Quang Minh – thoibao.de